Dùng kem chống nắng mỗi ngày nhưng da vẫn sạm, nám hay nổi mụn? Nguyên nhân thường đến từ việc chọn sai sản phẩm. IMAGE Skincare sẽ hướng dẫn bạn cách chọn kem chống nắng theo nhu cầu thực tế, tránh các sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải.
5 tiêu chí cần xem xét khi chọn kem chống nắng tốt
Chống nắng phổ rộng
Kem chống nắng phổ rộng (Broad Spectrum) giúp bảo vệ da khỏi cả tia UVA (phá hủy cấu trúc da bên trong) và tia UVB (gây cháy nắng, sạm da). Một số công thức nâng cấp còn bổ sung màng lọc chống HEV (ánh sáng xanh) và IR (tia hồng ngoại) – những yếu tố hiện đại có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa da dù không tiếp xúc ánh nắng trực tiếp.
Xem thêm: Chống nắng phổ rộng là gì?

Ánh nắng mặt trời chứa tia UVA và UVB gây hại cho làn da
Chỉ số SPF và PA
Chỉ số SPF (Sun Protection Factor) thể hiện khả năng chống tia UVB, trong khi PA (Protection Grade of UVA) sẽ phản ánh mức độ bảo vệ khỏi tia UVA. Với nhu cầu sử dụng hàng ngày, chỉ số SPF lý tưởng nằm trong khoảng 30 – 50, và chỉ số PA nên từ PA++ trở lên, tốt nhất là PA+++ hoặc PA++++ nếu da dễ bị nám hoặc thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng.
Xem thêm: Tia UVA và UVB là gì?
Kết cấu sản phẩm
Cảm giác trên da sau khi thoa sẽ quyết định việc bạn có sử dụng đều đặn kem chống nắng mỗi ngày hay không. Một công thức tốt cần có kết cấu dễ tán, không gây nặng mặt, không để lại vệt trắng – thoải mái để người dùng thoa đủ lượng và bôi lại khi cần.

Khi chọn kem chống nắng cũng cần lưu ý đến kết cấu sản phẩm
Thành phần an toàn
Kem chống nắng tốt cần một bảng thành phần sạch, ổn định, ít nguy cơ gây kích ứng. Ưu tiên các màng lọc chất lượng như Zinc Oxide, Homosalate; tránh Oxybenzone, cồn khô và hương liệu mạnh, đặc biệt là da đang nhạy cảm hoặc sau treatment.
Phù hợp với loại da
Mỗi loại da có cách phản ứng khác nhau với thành phần, kết cấu và màng lọc trong kem chống nắng. Sản phẩm lý tưởng cho da khô có thể gây bí tắc trên da mụn, hoặc một công thức giàu dưỡng chất có thể trở nên quá nặng nề với làn da dễ tiết dầu.
Chính vì vậy, lựa chọn kem chống nắng cần dựa trên đặc điểm sinh lý của làn da – không chỉ để đảm bảo hiệu quả bảo vệ, mà còn để sản phẩm thực sự dễ chịu khi sử dụng mỗi ngày. Một công thức phù hợp sẽ giúp hạn chế kích ứng, giảm tình trạng nổi mụn, mất nước hay đổ dầu quá mức sau khi thoa.

Tùy theo từng loại da mà lựa chọn kem chống nắng phù hợp
Cách chọn kem chống nắng theo từng loại da
Không có loại kem chống nắng nào là hoàn hảo cho tất cả. Việc lựa chọn đúng bắt đầu từ việc hiểu làn da đang cần gì – và không cần gì.
Da dầu – mụn
Đây là nhóm da nhạy cảm với độ dày và kết cấu của kem chống nắng. Những sản phẩm có kết cấu quá đặc hoặc chứa nhiều thành phần giữ ẩm sẽ dễ khiến da bị bít tắc, sinh mụn hoặc đổ dầu nhiều hơn.
Khi chọn, nên ưu tiên sản phẩm có kết cấu mỏng nhẹ, nhanh thấm, không chứa dầu (oil-free) và có ghi chú non-comedogenic (không gây bít tắc lỗ chân lông). Màng lọc thế hệ mới, kết hợp cùng thành phần làm dịu như niacinamide hay chiết xuất trà xanh sẽ hỗ trợ kiểm soát dầu và làm dịu vùng da viêm.

Da dầu mụn nên chọn chống nắng có kết cấu mỏng nhẹ, nhanh thấm
Da khô – thiếu nước
Da khô sẽ dễ bị mất nước dưới tác động của tia UV, nếu chọn sai kem chống nắng, tình trạng bong tróc, khô căng sau khi thoa sẽ càng rõ rệt. Nên ưu tiên sản phẩm có bổ sung các thành phần cấp ẩm như hyaluronic acid, squalane, glycerin, đồng thời có lớp finish ẩm nhẹ để giữ nước cho da. Tránh các công thức khô nhanh (cồn) hoặc kiềm dầu quá mạnh (kaolin) vì dễ khiến da càng thêm mất cân bằng.

Hướng dẫn chọn kem chống nắng cho da khô
Da nhạy cảm – sau treatment
Với nhóm da yếu, da sau peel, laser hoặc dùng treatment mạnh như retinol, acid…, khả năng chịu đựng với ánh nắng và các thành phần mỹ phẩm giảm rõ rệt. Lúc này nên chọn kem chống nắng có bảng thành phần tối giản, không hương liệu, không cồn, không oxybenzone. Màng lọc vật lý như Zinc Oxide và Titanium Dioxide là lựa chọn phù hợp vì dịu nhẹ và ít gây kích ứng hơn so với màng lọc hóa học.

Hướng dẫn chọn kem chống nắng cho da nhạy cảm
Chọn kem chống nắng theo môi trường và thói quen sống
Hai người có cùng loại da nhưng ở điều kiện khác nhau có thể cần những tiêu chí lựa chọn hoàn toàn khác. Ngoài việc hiểu làn da cũng hãy cân nhắc đến cách bạn sử dụng da mỗi ngày để chọn đúng sản phẩm đồng hành lâu dài.
Ngồi văn phòng – tiếp xúc màn hình nhiều
Dù không trực tiếp tiếp xúc với ánh nắng, làn da vẫn chịu tác động âm thầm từ ánh sáng xanh (HEV) phát ra từ máy tính, điện thoại và đèn LED. Tia HEV được chứng minh là có thể gây tăng sắc tố, phá vỡ collagen và thúc đẩy quá trình lão hóa sớm nếu tiếp xúc trong thời gian dài.
Với nhóm người làm việc văn phòng hoặc môi trường công nghệ, nên chọn kem chống nắng có bổ sung bảo vệ chống ánh sáng xanh, thường đi kèm thành phần chống oxy hóa như vitamin C, E hoặc Zingerone (gừng). Kết cấu nhẹ, không bóng, dễ bôi lại giữa ngày là một điểm cộng để duy trì lớp bảo vệ bền vững mà không ảnh hưởng đến lớp nền trang điểm.
Xem thêm: Làn Da Trong Thời Đại Số: Sự Thật Về Tác Hại Của Ánh Sáng Xanh

Nên chọn kem chống nắng có bổ sung bảo vệ chống ánh sáng xanh
Vận động ngoài trời – chơi thể thao – du lịch
Cường độ nắng, thời gian tiếp xúc kéo dài và việc đổ mồ hôi liên tục đòi hỏi sản phẩm chống nắng có độ bám cao hơn mức trung bình. Nếu dùng loại không chống nước, lớp bảo vệ có thể trôi nhanh và khiến da bị tổn thương dù bạn đã bôi đủ lượng.
Trong trường hợp này, bên cạnh khả năng chống nắng, cần ưu tiên kem chống nắng có khả năng chống nước (ghi rõ water-resistant trên bao bì). Ngoài ra, kết cấu mỏng, thoáng, không gây bí da sẽ giúp việc vận động trở nên thoải mái hơn trong suốt ngày dài.

Hoạt động nhiều ngoài trời nên chọn kem chống nắng có khả năng chống nước
Trang điểm hằng ngày – dùng như base
Với người có thói quen trang điểm, kem chống nắng sẽ đóng vai trò như lớp lót đầu tiên trước khi lên nền. Việc chọn sai sản phẩm có thể khiến lớp nền bị trượt, vón hoặc kém bám.
Lý tưởng nhất là kem chống nắng có finish tiệp da, không bóng, không nâng tông quá rõ, dễ tiệp với các lớp trang điểm phía trên. Một số sản phẩm có hiệu ứng mờ nhẹ hoặc có tint màu nhẹ sẽ giúp lớp nền đều hơn và giữ được độ mịn lâu hơn trong ngày.
Kết luận
Chọn đúng kem chống nắng không chỉ là bước bảo vệ, mà là nền tảng giữ gìn sức khỏe và tuổi trẻ cho làn da. Hiểu rõ nhu cầu của da và môi trường sống sẽ giúp bạn đưa ra lựa chọn đúng đắn, bền vững mỗi ngày.
Giải đáp nhanh các câu hỏi thường gặp
SPF 30 và 50 khác nhau nhiều không?
Không quá nhiều. Theo nghiên cứu, SPF 30 sẽ lọc khoảng 97% tia UVB, còn SPF 50 lọc khoảng 98%. SPF quá cao chưa chắc sẽ bảo vệ làn da tốt hơn mà còn có thể gây bí da nếu công thức không cân đối. Vì thế nên lưu ý đến việc bôi đủ lượng và thoa lại đúng thời gian – thay vì chỉ chọn chỉ số cao.
Nên chọn kem chống nắng vật lý hay hóa học?
Cả hai đều có những ưu điểm riêng. Kem chống nắng vật lý thì dịu nhẹ, phù hợp da nhạy cảm. Kem chống nắng hóa học lại thấm nhanh hơn, ít để lại vệt trắng. Hiện nay, có nhiều sản phẩm kết hợp cả hai để tối ưu hiệu quả và cảm giác khi dùng.
Có cần bôi lại nếu ngồi văn phòng?
Có, nếu bạn ngồi gần cửa sổ, làm việc dưới đèn mạnh, hoặc dùng máy tính/điện thoại liên tục. Mỗi 4 giờ nên bôi lại để duy trì hiệu quả, đặc biệt nếu bạn hay chạm tay lên mặt.